Nhà tôi lấp ao để xây nhà, có người khuyên nền đất yếu chỉ nên xây nhà thấp tầng, không nên làm nhà cao, như thế đúng không?
Chủ Nhật, 01-01-2023, 21:27
Căn cứ theo nhu cầu ở thực tế và địa hình địa chất, có thể đưa ra được giải pháp xử lý nền móng vững chãi. Đặc biệt với công nghệ tiên tiến như hiện nay, bạn có thể yên tâm khi xây nhà trên nền đất ao hồ hoặc đất mượn bởi có nhiều biện pháp thi công móng khác nhau, đảm bảo địa hình cũng như chất lượng làm việc của móng.
Nền móng tốt sẽ đảm bảo chất lượng, sự kiên cố của công trình.
Một số giải pháp làm móng nhà trên nền đất yếu.
Nếu công trình 2-3 tầng trở xuống có thể dùng cọc tre. Cọc tre được sử dụng ở những vùng đất ẩm ướt, ngập nước bởi trong môi trường này chúng có độ bền 60-70 năm hoặc lâu hơn.
Loại cọc này được sử dụng để gia cố nền đất cho những công trình có tải trọng truyền xuống đất không lớn. Đóng cọc tre là để nâng cao độ chặt của đất, giảm hệ số rỗng dẫn đến nâng cao sức chịu tải của đất nền. Với công trình thấp tầng, việc lựa chọn đóng cọc tre hoàn toàn phù hợp.
Khi dùng phương pháp này, thực tế cho thấy cứ một mét vuông móng cần 25 cọc tre.
Để đảm bảo chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, cọc tre cần có những đặc điểm sau: Tre tươi thẳng, không cong vênh, có tuổi đời trên 2 năm. Cọc tre dài 2-3 m, đường kính tối thiểu 6cm, đầu dưới vát nhọt, cách mắt 20 cm để làm mũi cọc; Đầu trên cách mắt tre 5 cm và vuông góc với trục cọc...
Ngoài yêu cầu về chất lượng tre, quá trình thi công cũng cần đảm bảo một số yêu cầu như: Phân bố đều cọc trên diện tích thi công móng; giữ cọc thẳng đứng trong suốt thời gian đóng cọc; cọc phải chìm sâu dưới mực nước ngầm để đạt hiệu quả cao....
Nếu như nhu cầu xây dựng của bạn vượt quá số tầng, nâng cao hệ số chịu tải phải tính đến các giải pháp thi công móng khác như móng đơn, móng bè, móng băng, móng cọc. Mỗi loại móng có sức chịu tải trọng khác nhau, quá trình thi công khác nhau, dựa vào địa tầng địa chất mà các kỹ sư kết cấu sẽ tư vấn chính xác nhất dùng loại móng nào phù hợp.
Quản trị